Home/Văn Hóa/Đừng cố tranh cãi với kẻ ngốc, họ sẽ kéo bạn xuống cùng đẳng cấp và đánh bại bạn bằng kinh nghiệm
Văn Hóa

Đừng cố tranh cãi với kẻ ngốc, họ sẽ kéo bạn xuống cùng đẳng cấp và đánh bại bạn bằng kinh nghiệm

Trong Đạo đức kinh, Lão Tử viết: “Đạo của bậc Thánh nhân là làm mà không tranh”. Ba nguyên lý tu dưỡng tối cao của Phật gia chính là “Chân Thiện Nhẫn”. Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.

Người ta thường có câu “Thắng làm vua, thua làm giặc”, thực ra đây chỉ là quan niệm của thế tục. Các bậc Giác Giả và trí giả ở thế gian có thể chịu nhục mà không tức giận hay ưu sầu. Họ cũng không tranh cãi hay tranh đấu với người khác. Cảnh giới tinh thần cao thượng khiến họ có thể nhẫn nhượng, không chấp vào được mất nơi thế gian, cũng như duy trì một tâm thái tường hòa và bình thản.

Khi Khổng Tử chu du liệt quốc, một ngày Ngài gặp hai người thợ săn đang tranh cãi đến đỏ cả mặt. Sau khi hỏi lý do, Khổng Tử mới biết họ đang tranh luận một vấn đề nhỏ về số học. 

Người thợ săn lùn nói 8 lần 3 là 24, trong khi người thợ săn cao nói là 23. Hai bên đều khăng khăng là mình đúng và tới mức gần đánh nhau. 

Cuối cùng, họ quyết định phải có một thánh hiền phân giải và người thắng sẽ được tất cả thú săn.

Hai người nghe nói Khổng Tử là một thánh hiền, do đó họ lập tức nhờ Ngài phán xét. Khổng Tử nói người thợ săn lùn phải cấp thú săn cho người thợ săn cao. 

Người thợ săn cao chiến thắng và vui mừng rời đi. Người thợ săn lùn tất nhiên không phục. Anh ta hỏi trong giận dữ: “3 lần 8 là 24. Ngay cả một đứa trẻ cũng biết điều đó. Ông là một thánh hiền, vậy mà ông nghĩ nó là 23. Ông chỉ có hư danh!”

Khổng Tử cười và đáp: “Anh nói không sai. 3 lần 8 là 24 và đây là một chân lý mà ngay cả đứa trẻ cũng biết. Nếu anh biết chân lý và giữ vững nó, thì như vậy là đủ rồi. Tại sao anh lại tranh luận với một người ngốc về một vấn đề đơn giản như thế?” Người thợ săn lùn như bừng tỉnh ra. 

Khổng Tử vỗ vai anh ta và nói: “Cá nhân này tuy được thú săn, nhưng anh ta ngốc nghếch cả đời. Còn anh tuy thua cuộc, nhưng đã có một bài học sâu sắc”. Sau khi nghe xong, người thợ săn lùn gật đầu lia lịa tỏ vẻ bội phục cảnh giới tinh thần của Khổng Tử.

Trong cuộc sống, Chân lý tuy cần giữ vững, nhưng không nên tranh biện. Đối diện với sự thật, dối trá rồi cuối cùng sẽ bị giải thể. Do vậy khi bị chỉ trích hay hiểu lầm, chúng ta không cần phải quá mất công giải thích hay biện luận.

Những người thông minh thật sự, khi đối mặt với những tranh biện hơn thua sẽ luôn nhún nhường, lùi một bước và dùng tâm thái bình hòa để đối đãi. 

Như nhà văn người Mỹ Mark Twain từng nói: “Đừng bao giờ tranh cãi với những kẻ ngu ngốc, họ sẽ kéo bạn xuống cùng đẳng cấp và đánh bại bạn bằng kinh nghiệm”.

Người luôn tranh giành, cãi lý thì tâm tình sẽ càng ngày càng trở nên phiền muộn, khó chịu. Lâu dần, người tranh lý sẽ từ tâm mà sinh ra trăm bệnh. Trái lại, người không tranh, tâm tình trong sạch, tĩnh tại thì thể xác và tinh thần đều yên vui.

Cổ nhân thường nói “lùi một bước biển rộng trời cao”, khi gặp mâu thuẫn hay tranh luận, dù bạn đúng hay sai cũng không nên tranh luận giống như họ, dù bạn biết mình đúng nhưng nếu cố tranh luận thì chắc chắn là bạn sai rồi.

Hãy học cách giữ tâm thái bình tĩnh, đối đãi với mọi việc một cách bình hòa. Người có trí huệ sẽ chú trọng tu dưỡng tâm tính bên trong, do đó họ có thể tẩy tịnh được tâm linh của mình, từ đó có cuộc sống an nhiên tự tại.

Nguồn: Chankien.org

Chân Kiến biên tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *