Home/Văn Hóa/ Nghệ thuật “trà ngon”: Khi nào con người trở nên sâu sắc nhất?
Văn Hóa

 Nghệ thuật “trà ngon”: Khi nào con người trở nên sâu sắc nhất?

Thưởng thức trà lắng đọng từng tuần nước pha, có tuần nước thì tựa như gió thoảng mây bay, lại có tuần nước đậm đà từng ngụm nhỏ. Người xưa nói chén trà ấy cũng như cuộc đời mỗi con người…Vậy thì khi nào con người trở nên sâu sắc hài hoà tuyệt đẹp nhất?

Đã khi nào bạn cảm nhận được trọn vẹn từng khoảnh khắc trôi qua? Trong cuộc sống vội vã bạn đã bao lần quên việc cảm nhận những điều tồn tại quanh mình, đến khi mệt mỏi dã rời chúng ta quay lại trách oán số phận. Đời người giống như một chén trà, khó khăn, khổ đau chỉ như vị đắng của ngụm trà đầu tiên mà thôi. Nếu chỉ nhấp một ngụm đầu, vị đắng sẽ át hết tâm trí. Nhưng khi thưởng thức trọn vẹn chén trà ấy, hương vị thanh tao sẽ thấm đượm lên từng tấc lưỡi.

Một câu chuyện từ xưa kể lại rằng có hai người bạn tri kỷ ngồi uống trà với nhau. Nhìn bạn trà cặm cụi pha nước, người này hỏi:

“Ngài cảm thấy trà ở tuần nước nào thì uống ngon nhất?”

Người kia trầm ngâm một lúc lâu, tựa như rất nghiền ngẫm về câu hỏi của bạn trà. Sau đó trả lời rằng:

“Tuần nước thứ nhất, tựa như gió thoảng

Tuần nước thứ hai, tựa như dòng xuân xanh

Tuần trà thứ ba, tựa như ánh trăng chiếu rọi…”

Mỗi tuần nước, hương vị trà đều có sự khác biệt. Qua nhiều lần đắn đo, cân nhắc, chung quy lại, hai người bạn trà lâu năm ấy vẫn chưa tìm được đáp án cho câu trả lời: “Trà ở tuần nước nào thì uống ngon nhất?” trong khi đó, họ đã bỏ lỡ việc thưởng thức trà ở từng thời điểm của các tuần nước

Người ta nói rằng mọi thứ tốt đẹp trên cuộc đời chỉ như mây trôi, như những bông pháo hoa chóng vánh, hay như tấm pha lê long lanh mà dễ vỡ bất kỳ lúc nào.

Chúng ta thường quên mất rằng, khi nâng chén trà lên, thưởng thức một ngụm trà vào chính thời điểm ấy, thì hương vị của ngụm trà trước đó đã không còn thực sự sắc nét như lúc thưởng thức nó nữa để mà so sánh, cũng như chén trà tiếp sau đó có vị ra sao và nó sẽ biến đổi như thế nào. Bởi chỉ có hương vị trà ở thời điểm hiện tại đã chiếm trọn vị giác và tâm trí của bạn.

Vậy thì từ nay nên chăng chúng ta không phán xét và quẩn quanh đi tìm câu trả lời cho trà ở tuần nước thứ mấy ngon nhất, thay vào đó bạn hãy thưởng thức từng tuần trà và cảm nhận những hương vị đặc trưng đó mang lại.

Đối với con người chúng ta thì sao? Triết gia Hy Lạp cổ đại nổi tiếng Heraclitus đã từng nói rằng: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Quả đúng là như vậy, mỗi một khoảnh khắc qua đi đều là duy nhất và đáng để trân trọng, không chỉ là người đầu tiên gặp gỡ, hay người cuối cùng mà với cả những người chúng ta gặp hàng ngày như bạn bè và những người thân thiết trong gia đình.

Hàng ngày khi pha trà làm sao để chúng ta có một chén trà với tuần pha nước nào cũng ngon? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào bản thân trà và cách pha trà, ngoài ra còn có tâm thái người pha trà cũng như cảm nhận của người thưởng thức.

Vậy thì làm sao để có được một người sâu sắc? Có thể có người cho rằng một người sâu sắc là một người có nhiều kiến thức về cuộc sống, suy nghĩ có mục đích, có hệ thống. Họ biết thu thập thông tin, đánh giá, phân tích sự việc trước khi đưa ra ý kiến. Họ biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói, cái gì nên làm và không nên làm. Họ biết phân tích, mổ xẻ vấn đề, ưu khuyết điểm của ai đó…

Chúng ta được sinh ra với sự thuần thiện, thánh khiết nhất nhưng năm tháng lại phủ lên chúng ta những lớp bụi trần khiến chúng ta quên mất bản năng tiên thiên, thánh khiết đó. Chúng ta cứ mơ những điều to tát nhưng rồi cuối cùng nhận ra hạnh phúc ẩn chứa trong từng phút giây nhỏ bé nhất.

Khi cảm nhận trọn vẹn từng phút giây, trân trọng từng điều nhỏ bé nhất để biết quan tâm, để biết đặt mình vào vị trí của người khác, trân trọng từ những khoảnh khắc dung dị, bình thường nhất chính vì thế mà làm cho bản thân trở nên sâu sắc một cách thực sự.

Đức Phật dạy: “Sinh mạng nằm trong từng hơi thở của hiện tại”. Tiếc thay, cuộc đời của mỗi con người dường như cũng quẩn quanh trong nỗi băn khoăn người, mãi đi tìm những điều hơn nhất. Luôn để mọi thứ trôi qua một cách vội vã, sống trong quá khứ, lo nghĩ về tương lai mà bỏ qua hiện tại.

Đừng phí hoài thanh xuân bằng cách so sánh cuộc đời ở “hiện tại” với “tương lai” hay “quá khứ”. Thay vào đó, hãy trân trọng từng giây phút được nhìn thấy ánh dương, được hít căng lồng ngực, được lắng tai nghe những âm thành từ dòng người tấp nập xung quanh. Tận hưởng sinh khí, giá trị của hiện tại chính là cách ta sống hết mình với cuộc đời mang tên ta.

Bởi lẽ đời là vô thường, không biết ta sẽ được trải qua thêm những khoảnh khắc nào nữa. Chúng ta ai rồi cũng sẽ trở lên già yếu. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Khi đó sẽ có lúc thấy lãng phí những khoảnh khắc đã trôi qua. Để những khoảnh khắc trong đời trôi qua mà chưa kịp cảm nhận.

Mộc Hương biên tập

One thought on “%1$s”

  1. Nghệ thuật pha trà , uống trà chỉ những ai hay uống trà mới hiểu. Khi uống trà ,lúc đầu ta cảm thấy có vị chan chát. Sau đó ta lại thấy có gì đó ngọt dịu ở tận sâu trong cổ.Mỗi ngụm trà ta cảm nhận được giá trị nồng ấm và hương vị thanh tao của nó.Con người càng sống ,càng hiểu đời, càng có cái nhìn thấu đáo hơn.Qua thăng trầm của cuộc sống, qua sự trải nghiệm họ tích luỹ thêm nhiều kiến thức phong phú và họ tự ngẫm cuộc đời ,về bản thân.Mọi thứ sẽ được chắt lọc và sâu sắc hơn rất nhiều. Họ biết sống thế nào cho đunhs nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *