Tha thứ cho người khác là như thế nào? Tha thứ là một lời nói hay là sự buông bỏ thù hận từ trong tâm?
Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta thường bị ép buộc phải tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Nếu một đứa bé cướp đồ chơi của bạn mình, cha mẹ sẽ bắt chúng phải xin lỗi và tha thứ cho nhau. Lời xin lỗi đó được coi là tuyên ngôn của sự tha thứ. Tuy nhiên, sự hằn học và mâu thuẫn thì vẫn có thể còn đang chất chứa trong lòng.
Khi trưởng thành, chẳng còn ai nhắc nhở bạn phải làm điều này điều khác. Việc nghe được lời xin lỗi từ ai đó lại càng trở nên hiếm hoi. Cuộc sống dần thiếu đi sự chân thành và vị tha, lòng người càng khép lại, sự oán trách cũng nhiều lên.
Câu chuyện sau đây sẽ giúp ta hiểu rằng, thù hận là liều thuốc độc và tha thứ chính là phương thuốc nhiệm màu nhất để hạnh phúc.
Câu chuyện về củ khoai tây
“Một ngày nọ, thầy giáo yêu cầu mỗi chúng tôi mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó, thầy bảo mỗi lần chúng tôi không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây, viết tên người ấy và ngày tháng lên đó, rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, túi của nhiều người trong lớp đã bắt đầu nặng dần.
Sau đó, thầy lại yêu cầu chúng tôi phải luôn đeo cái túi đấy bên mình dù đi bất cứ đâu, ngủ hay làm việc. Sự phiền phức khi phải mang vác một cái túi chứa hàng chục củ khoai tây khiến chúng tôi càng cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, chúng tôi còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào.
Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa và chúng tôi không muốn mang nó bên mình nữa…”
Tha thứ không đồng nghĩa với việc giữ những khúc mắc, đau khổ, và sự không hài lòng ở trong tâm. Làm như vậy, bạn chỉ đang kìm nén những nỗi đau lại. Bạn sẽ cứ nghĩ mãi về những chuyện không vui, những vết thương lòng mà không để ý tới viễn cảnh lạc quan hơn. Vì vậy, tha thứ trước tiên chính là buông bỏ những tiêu cực của bản thân mình. Bạn phải bao dung với chính mình thì bạn mới biết cách bao dung với người khác.
Chúng ta thường cho rằng tha thứ là làm việc tốt với người được tha thứ, giống như ‘cho phép’ họ giũ bỏ những gánh nặng tinh thần. Thực chất, tha thứ là món quà cho chính bản thân bạn. Tha thứ là để quá khứ ở lại và nhìn vào hiện tại và tương lai. Sự giận dữ và oán hận chỉ làm chúng ta càng khổ tâm hơn, mất thời gian suy nghĩ và tư tưởng bị trói buộc.
Người mạnh mẽ là người biết cách tha thứ. Bao dung với người khác đồng nghĩa với việc biết chấp nhận những thiếu xót của bản thân và vị tha với lỗi lầm của đối phương. Thay vì mãi oán trách số phận và than thở về cuộc đời hay người khác, hãy dành thời gian để làm những việc mà bạn yêu thích, ở bên những người mà bạn yêu quý và đi khám phá những vùng đất mới. Như vậy chẳng phải sẽ khiến cuộc sống nhẹ nhàng và tươi đẹp hơn sao?
Cuộc sống rất ngắn ngủi, hãy học cách tha thứ cho người khác, đó cũng chính là sự ‘tha thứ’ cho chính mình.
BT: Nhật Nguyệt