Home/Văn Hóa/Cái gì mình đáng được thì sẽ được, phúc họa là do từ đức mà ra
Văn Hóa

Cái gì mình đáng được thì sẽ được, phúc họa là do từ đức mà ra

Thiên địa vô tư, thần linh xét thấu cả điều tối kín. Không vì cúng tế mà hàng phúc, không vì lỗi tế mà hàng họa. Hễ người có thế thì chớ ỷ vào đến cùng, có phúc chớ hưởng cho hết, thấy nghèo khó chớ khinh khi tận. Ba điều ấy là thiên địa tuần hoàn, vòng đi vòng lại.

Cho nên một ngày làm việc thiện, phúc dù chưa đến, họa đã xa rồi. Một ngày làm việc ác, họa dù chưa đến, phúc đã xa rồi. Người làm việc thiện như cỏ trong vườn xuân, không thấy dài hơn, mà ngày càng nhiều thêm. Người làm việc ác như viên đá mài dao, không thấy nó mòn mà ngày càng giảm bớt.

Việc tổn hại người để mình yên ổn là việc rất nên răn mình. Việc phải dù nhỏ, cũng phải xử sự phương tiện với người; việc ác dù nhỏ, khuyên người chớ làm. Áo cơm tùy duyên, tự nhiên vui vẻ. Tính toán số mệnh làm gì? Hỏi quẻ bói làm gì?

Khinh người là họa, tha người là phúc. Lưới trời lồng lộng, báo ứng rất nhanh. Hãy nghe lời ta dạy cho kỹ, dù thần cũng kính, dù quỷ cũng phục.

Con người cứ sống tự nhiên như cỏ cây hoa lá. Cái gì mình đáng được thì sẽ được, cái gì không đến với mình thì mọi chuyện cứ xếp đặt đâu vào đấy. Cứ thuận theo tự nhiên, phúc họa là do từ đức mà ra. Đâu sẽ có đó, an nhiên tự tại.

Người như vậy trong tâm luôn khoáng đạt, vô ưu, không bao giờ có tâm tham, tâm ích kỷ. Họ vui với đời, đời vui lại. Con người hoàn toàn làm chủ vận số, không có ngoại cảnh nào làm họ lay chuyển.

Họa và phúc tương sinh với nhau và sự chuyển hóa này khó mà lường trước được.

Gương người xưa: Tái ông thất mã

Xưa có một ông già sống ở vùng biên giới phía Bắc. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Một hôm ông phát hiện ra rằng con ngựa của ông đã chạy mất sang nước Hồ láng giềng. Hàng xóm cảm thấy tiếc cho ông nhưng ông già nói, “Biết đâu nó lại là mang đến một điều phúc?”

Vài tháng sau, con ngựa đã mất tích của ông đột nhiên quay trở về cùng với một con ngựa quý nữa. Hàng xóm đến chúc mừng ông vì điều may đó. Nhưng ông nói “Biết đâu nó lại mang đến tai họa?”

Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, và rồi một hôm anh ta bị ngã ngựa gãy chân và bị què.  Hàng xóm đến an ủi ông nhưng ông lại trả lời “Biết đâu nó lại mang đến điều phúc?”

Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược, và tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân ra trận – kết quả là cứ 10 người đi thì 9 người tử trận. Con trai ông bị què nên được ở nhà và thoát chết.

Phúc có thể trở thành họa, và rồi họa đó lại có thể chuyển thành phúc. Sự chuyển hóa này là vô tận và sự bí ẩn của nó mãi mãi là điều huyền thoại đối với nhân loại.

Nhưng chúng ta có thể cảm ngộ được chân lý vô cùng bình dị. Tại sao ông già không hề thay đổi thái độ của mình khi gặp những tình huống hoàn toàn trái ngược nhau vì ông tin sự an bài của số phận, ông tin thần linh là công bằng, đạo trời là khó tránh.

Cái gì đến nó ắt sẽ đến, muốn tránh cũng không được. Cái gì đi thì nó sẽ đi có cố níu kéo cũng không xong. Ông sống thong dong an lạc, trong tâm không cầu được mất thì cái gì ông cũng được và kết thúc là có hậu.

Vậy nên tích cổ Tái ông thất mã đã trở thành một cau thành ngữ lưu truyền răn dạy thái độ sống lạc quan, an nhiên tự tại, vui với những gì mình có và không nen buồn với những gì mình không có. Như thế phúc mãi đắc tựu và họa sẽ luì xa.

Nguồn Truyện cổ Phật gia
Nhung Nguyễn biên tập.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *