Home/Văn Hóa/Vị thiền sư đáng kính bị vu oan tội tày trời, nhưng cách ông ứng xử mới khiến người ta kinh ngạc
Văn Hóa

Vị thiền sư đáng kính bị vu oan tội tày trời, nhưng cách ông ứng xử mới khiến người ta kinh ngạc

Thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin) của Nhật Bản xuất gia từ năm 8 tuổi, sự giữ gìn giới luật, coi trọng đạo đức cũng như phong thái từ bi thánh thiện của ông rất được mọi người trọng vọng và tôn kính.

Một ngày kia, có một người con gái trẻ đẹp nhà gần chùa của thiền sư bỗng bị chửa hoang. Người ta không biết cha đứa bé là ai. Bố mẹ cô gái vô cùng tức giận và xấu hổ nên đánh đập tra khảo cô con gái về lai lịch tình nhân của cô. Ban đầu cô con gái không chịu nói gì cả, nhưng sau cùng vì bị đánh đập dữ dội, cô tiết lộ đó là thiền sư Bạch Ẩn.

Một vị sư được mọi người kính trọng mà lại làm chuyện đó được, tin xấu đồn ra khắp nơi, dân chúng bàn tán dị nghị, cho rằng ông là giả sư chứ tu hành gì? Cha mẹ cô gái giận dữ, đùng đùng lên chùa và mắng xối xả vào mặt Bạch Ẩn Khi họ dứt lời, Bạch Ẩn chỉ thốt hai tiếng: “Thế à!”

Đệ tử của thiền sư Bạch Ẩn cũng vì thế bỏ đi gần hết. Sau khi đứa bé chào đời, gia đình cô gái mang đứa bé quẳng cho Bạch Ẩn nuôi. Thời điểm này, thiền sư Bạch Ẩn đã bị tai tiếng và nhiều người chê bai trách móc ông đủ điều, lại phải chăm nom một đứa bé mới sinh, nhiều khi phải đi rất xa để xin sữa cho đứa trẻ; nhưng nhà sư vẫn thản nhiên như không, dường như câu chuyện kia chẳng có dính líu gì đến ông cả. Bạch Ẩn vừa tu hành vừa chăm sóc đứa bé thật tử tế.

Một năm sau, cô gái vì cảm thấy ray rứt hối hận nên đã thú thực với cha mẹ là người cha đứa bé không phải là Bạch Ẩn mà là một chàng thanh niên làm việc ở chợ cá. Cha mẹ cô ta vội chạy lên chùa dập đầu tạ lỗi với Bạch Ẩn và xin mang đứa bé về. Thiền sư Bạch Ẩn vẫn thản nhiên như không, thốt lên hai tiếng “Thế à!” sau đó trả lại đứa bé cho nhà nọ rồi trở lại phòng thiền.

Sự tình được truyền đi, dân chúng ngưỡng mộ, các đệ tử cảm phục đức nhẫn nhục và tâm lượng thản nhiên của thiền sư nên lần lượt kéo về. Danh tiếng thiền sư nay lại hơn xưa.

Điều gì khiến vị thiền sư làm được như vậy? Có thể chịu nỗi oan ức như vậy mà không cần bày tỏ, cũng không phản kháng lại, chỉ thản nhiên như không có chuyện gì. Đó là cảnh giới của Chân Thiện, đã siêu xuất khỏi tốt và xấu trong quan niệm của con người, cảnh giới ấy được gọi là tâm Từ Bi.

 

Thông Lộ sưu tầm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *