Home/Văn Hóa/Sống thuận theo thiên ý, ít tranh đấu thì họa tự rời xa
Văn Hóa

Sống thuận theo thiên ý, ít tranh đấu thì họa tự rời xa

Văn hóa truyền thống dạy con người lấy đức báo oán, không nên tranh giành, oán hận người khác. Lão Tử cũng giảng về đạo lý “không tranh với đời” để có thể đạt được cảnh giới vô vi. Nhưng trong cuộc sống có một số người cứ mải mê tranh đấu mà không biết được rằng tranh đấu với Trời là không biết lượng sức mình, tranh đấu với người thì cả đời mang nặng, tranh tới tranh lui bất quá cũng chỉ là công dã tràng mà thôi.

1. Thuận theo Thiên đạo là đạo sinh tồn

Trong sách “Thượng Thư” viết: “Huệ địch cát, tòng nghịch hung, duy ảnh hưởng”, ý tứ là thuận theo thiên đạo mà làm thì an bình khỏe mạnh, làm trái ngược với đạo trời thì sẽ đưa đến tai họa.

Trong sách “Hoàng Đế Nội Kinh” cũng viết: “Xuân sinh hạ trường, thu thu đông tàng, thiên chi chính dã. Bất khả kiền nhi nghịch chi. Nghịch chi giả, tuy thành tất bại”, tức là mùa xuân sinh sôi, mùa hè lớn dần, mùa thu thu liễm, mùa đông cất giấu. Đây là quy luật biến hóa của bốn mùa trong năm và con người không nên đi ngược lại, người nào đi ngược lại thì tất sẽ bị bại.

Lão Tử cũng viết trong “Đạo Đức Kinh” rằng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”. Có thể nói, thuận theo Thiên đạo, không đi ngược lại, tranh đấu với Trời đất là đạo sinh tồn mà Lão Tử khuyên răn con người.

Những nhân vật kỳ tài trong lịch sử các đời như Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn…, đều là những người có thể đoán biết trước được thiên cơ, hiểu biết các quy luật của Trời đất, vạn vật. Họ cũng đều khuyên răn con người sống thuận theo Thiên đạo, không đi ngược lại Thiên đạo.

Thời nhà Đường, Lý Thuần Phong là người học rộng tài cao tinh thông thiên văn, địa lý và kinh dịch. Trong cuốn “Thái Bình quảng ký” viết rằng, Hoàng đế Đường Thái Tông từng có lần hỏi Lý Thuần Phong về số mệnh của triều đại nhà Đường.

Lý Thuần Phong đáp: “Số mệnh của Đường triều kéo dài khoảng 300 năm, tuy nhiên trong cung sẽ có một người họ Võ cướp đi thiên hạ của Lý gia”.

Hoàng đế Đường Thái Tông nói: “Vậy thì ta sẽ giết hết những người họ Võ trong cung để diệt trừ hậu họan!”

Lý Thuần Phong đáp: “Đây là Thiên ý, sức người có thể làm gì được? Người này hiện giờ đã ngoài 20 tuổi, nếu giờ giết chết đi, Trời tất sẽ giáng họa nước ta, con cháu nhà Đường càng nguy hiểm.”

Nghe xong lời khuyên can của Lý Thuần Phong, Hoàng đế Đường Thái Tông cuối cùng đã thuận theo Thiên ý, không xuống tay diệt trừ hậu hoạn. Người họ Võ mà Lý Thuần Phong nói đến chính là Võ Tắc Thiên sau này. Võ Tắc Thiên tuy rằng đã cướp đi thiên hạ của Lý gia nhưng sau khi Võ Tắc Thiên chết thì vẫn là đem thiên hạ trả lại cho Lý gia. Triều Đường trải qua 19 đời Hoàng đế, tổng cộng kéo dài 289 năm, trở thành một trong những triều đại trọng yếu nhất của Trung Hoa.

Vạn vật trong thế gian đều có quy luật. Nếu một người tuần hoàn theo các quy luật ấy thì tự nhiên sẽ có kết quả tốt đẹp. Trái lại, người nào đi ngược lại thì tất sẽ gặp họa.

Tục ngữ nói: “Người tính không bằng Trời tính”. Thứ không phải của chúng ta, chúng ta càng tranh đoạt thì chính là càng tự làm khó cho mình. Con người sống nơi thế gian nên hiểu rằng, người đang làm trời đang nhìn. Xưa nay, những người đi ngược lại với Thiên ý và phép tắc, thì không ai có thể trốn khỏi, sớm hay muộn đều sẽ phải trả giá gấp bội phần.

Cho nên, làm người hay làm việc, đừng quá ngông cuồng ngang ngược, đừng đánh mất lương tâm, bởi vì cho dù một người có mạnh mẽ đến thế nào đi nữa cũng không thể thắng được đạo Trời, làm việc xấu dù che giấu khéo đến đâu cũng không giấu được Trời. Làm người, xử thế, phải có thiện niệm trong tâm, phàm là mọi việc đều phải có độ, đó cũng chính là cấp cho mình đường lui.

2. Tranh với người, cả đời mang nặng

Xưa có một người học trò thường ngày rất thích cùng người khác tranh hơn thua, rất để tâm vào việc đúng sai. Một hôm, người học trò này đến hỏi thăm thầy thì gặp một người trên đường đi. Người khách này ngăn vị học trò kia lại và nói: “Ngài cho ta hỏi một năm có mấy mùa?”

Vị học trò nói ngay: “Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bốn mùa!” Người khách cãi lại: “Có ba mùa chứ!” Người học trò cảm thấy thực sự kỳ quái nói: “Rõ ràng là một năm có bốn mùa, sao ngươi lại nói là có ba mùa?”

Tranh cãi không ngớt, vị khách nóng mặt yêu cầu người học trò: “Người đúng, ta sẽ dập đầu quỳ lạy, còn nếu ngươi sai thì phải bái lạy ta.”

Đúng lúc này thì người thầy đi ra, nghe thoáng qua câu chuyện. Vị khách kia thấy vậy bèn hỏi: “Ngài là thầy, xin hãy phân xử xem, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”

Người thầy nhìn vị khách một lượt rồi nói: “Ba mùa!”

Vị khách vô cùng vui vẻ, đòi học trò bái lạy xong rồi mới bước đi. Người học trò khó hiểu hỏi: “Thưa thầy! Một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa?”

Người thầy trả lời: “Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa, xuân, hạ và thu, nó đâu có biết mùa đông? Con cùng với người ta say mê tranh luận, thích tranh hơn thua như vậy, chẳng phải là cách quá xa cảnh giới tu thân sao? Người ta tạo cho con cơ hội để vứt bỏ cái tâm háo thắng, còn không mau cảm tạ?”

Lại có câu chuyện kể rằng, ở một ngôi chùa có hai vị hòa thượng trẻ tuổi giao ước hàng ngày đều tụng kinh cùng nhau để xem ai tụng kinh giỏi hơn, hay hơn.

Sư trụ trì sau khi biết chuyện đã gọi hai vị hòa thượng trẻ đến và nói: “Hai hòa thượng các ngươi phải chăng đã giao ước tụng kinh cùng nhau xem ai tụng kinh giỏi hơn?”

Hai vị hòa thượng trẻ đáp: “Thưa sư phụ, đúng vậy.”

Vị sư trụ trì liền khai thị cho hai hòa thượng trẻ tuổi: “Tụng kinh vốn là tu hành, nếu là để phân thắng bại thì tu hành còn ý nghĩa gì đâu. Con người một khi có tâm tranh đấu thì sẽ sinh ra phiền não, nếu không có tâm tranh đấu thì mới có thể tĩnh tại.”

Phật gia cho rằng đời người có ba thứ độc là tham, sân, si. Hết thảy thống khổ và phiền não của con người đều do tham, sân, si sinh ra. Vì có tham nên con người tranh giành nhau, vì có sân cho nên người ta có tâm oán giận, vì si nên không buông bỏ xuống được. Đây đều là những điều tạo nên gánh nặng của đời người.

Tục ngữ nói: “Trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có chớ cưỡng cầu”. Thế giới có hàng ngàn hàng vạn thứ hấp dẫn, mê hoặc con người, lấy bình thường tâm mà đối đãi mới có thể sống bình yên vô sự. Người có thể đạm bạc thì sẽ tiêu được sầu, không tranh cái lợi trước mắt thì tâm tự nhiên sẽ thanh thoát, tiêu sái.

Người không có tâm truy cầu thì tự nhiên sẽ không tranh giành, không tranh giành thì tự nhiên sẽ không có tức giận, không tức giận thì sẽ ít oán trách, ít oán trách thì tự nhiên phúc sẽ nhiều hơn. Đây chính là đạo lý.

Nguồn: Secrecchina

Từ Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *