Home/Văn Hóa/Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp – Đệ Tử Quy (1)
Nguồn: DKN
Văn HóaGiải tríViệt Nam

Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp – Đệ Tử Quy (1)

Cuối thời đại nhà Thanh, “Đệ Tử Quy” là tài liệu khai sáng đạo đức có ảnh hưởng rộng lớn nhất, rất nhiều châu huyện ấn định nó là sách giáo khoa vỡ lòng của trẻ em. Tác giả Lý Dục Tú do có công biên soạn “Đệ Tử Quy”, nên sau khi mất ông được thờ phụng tại đền thờ các vị tiên hiền ở Giáng Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc).

Lý Dục Tú là một vị tú tài vào thời Khang Hi nhà Thanh, ông căn cứ vào sách “Đồng Mông Tu Tri” của ông Chu Hi thời Tống mà cải biên thành “Huấn Mông Văn”, về sau được học giả Giả Tồn Nhân triều Thanh chỉnh lý, đổi tên thành “Đệ Tử Quy”. Bởi vì Chu Hi nhìn thấy giáo dục ở trường học lúc đó “Giáo và dưỡng không có khuôn phép, thầy trò gặp nhau hờ hững như người qua đường”; đạo đức bại hoại, trọng lợi quên nghĩa, giáo dục chỉ vì để học sinh đối phó kiểm tra thi cử, Chu Hi cho rằng đây là bỏ gốc lấy ngọn, ông chủ trương giáo dục ngữ văn phải lấy “Minh nhân luân vi bản” (minh tỏ nhân luân làm gốc), khôi phục truyền thống giáo dục tốt đẹp của ba đời Hạ – Thương – Chu, cho nên đã biên soạn ra một loạt giáo trình ngữ văn, trong đó có biên soạn cuốn sách chuyên khai sáng cho trẻ em là “Đồng Mông Tu Tri”, dạy bảo trẻ em chi tiết sinh hoạt hàng ngày.

Tiếp nối nội hàm của “Đồng Mông Tu Tri”, “Đệ Tử Quy” cũng lấy việc dạy bảo trẻ em về đạo đức luân lý và lễ tiết cơ bản làm chủ. Đoạn đầu tiên của “Đệ Tử Quy” (Đoạn tổng quan), lấy lời dạy của Khổng Tử trong cuốn Luận Ngữ. Học nhi: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.” (đệ tử vào thì hiếu, ra thì đễ, cẩn mà tín, yêu mến mọi người mà thân cận người nhân đức, làm được những điều ấy rồi có thừa sức mới học văn.) làm nội hàm xuyên suốt toàn bộ cuốn sách, từ đó phân cuốn sách ra làm bảy đoạn lớn là: Nhập tắc hiếu, Xuất tắc đễ, Cẩn, Tín, Phiếm ái chúng, Thân nhân, Dư lực, Học văn. Nội dung rõ ràng dễ hiểu, vần điệu thuận miệng, xác định rõ ràng cụ thể về quy phạm hành vi đúng đắn cho trẻ em, hiện nay vẫn lưu hành rộng khắp tại các trường tiểu học.

Bản giáo trình này chiểu theo nội dung mà phân thành 32 bài, mỗi bài gồm có Nguyên văn, Từ vựng, Lời dịch, Lời giải thích và Câu chuyện tham khảo. Nguyên văn Hán ngữ được trình bày bằng Bính âm, Chú âm và Âm Hán Việt. Lời dịch cung cấp một bản văn thuần Việt, Từ vựng là nhắm vào ý nghĩa của từ bên trong câu văn mà tiến hành giải thích, Lời giải thích là giải thích ý nghĩa của toàn câu. Cuối cùng, kèm theo Câu chuyện tham khảo liên quan với nội dung bài học, để độc giả học tập càng thêm thâm nhập, mở rộng và thêm sinh động lý thú hơn nữa, hy vọng trong quá trình học tập ngữ văn có thể dưỡng thành phẩm đức tốt đẹp cho trẻ em đi học.

Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp – Đệ Tử Quy (1)

Âm Hán Việt:
Đệ tử quy, Thánh nhân huấn: Thủ hiếu đễ, thứ cẩn tín;
Phiếm ái chúng, nhi thân nhân; hữu dư lực, tắc học văn.

Lời dịch:
Phép người con, Thánh nhân dạy: Hiếu đễ trước, kế cẩn tín;
Yêu bình đẳng, gần người nhân; có dư sức, thì học văn.

Lời giải thích:
“Đệ Tử Quy” là quy phạm đạo đức được các bậc cổ thánh tiên hiền truyền dạy, trong đó quan trọng nhất chính là hiếu thuận đối với cha mẹ, thân ái đối với anh chị; tiếp đó là làm người hay làm việc thì phải nghiêm cẩn giữ thành tín; yêu quý mọi người trên thế giới, đồng thời thân cận với các bậc quân tử nhân đức; còn có dư thời gian và tinh lực, mới có thể học tập các loại văn học, các loại tri thức khác.

Câu chuyện tham khảo:

Đạo đức của Thủy tổ ─ Đế Thuấn

Thuấn là một trong Ngũ Đế (*) của thời cổ đại Trung Quốc, ông họ Diêu, tên là Trọng Hoa, hào là Ngu Thị, lịch sử gọi là Ngu Thuấn.

Khi Thuấn còn rất nhỏ mẹ đã qua đời, cha là Cổ Tẩu bị mù hai mắt lại cưới vợ kế, sinh ra em trai tên là Tượng. Cha của Thuấn là người ngoan cố không nói lý, lại thêm mẹ kế tính tình thô bạo hung ác, em trai ngang ngược vô lý, mẹ kế và Tượng được Cổ Tẩu sủng ái, ba người đều chán ghét Thuấn, đứa con của người vợ trước sinh ra, nên thường muốn giết chết ông.

Có một lần Cổ Tẩu sai Thuấn sửa chữa kho gạo, chờ Thuấn leo lên trên mái kho, Cổ Tẩu liền phóng hỏa đốt kho gạo, Thuấn lấy hai cái mũ rộng vành giống như chim đáp xuống, không bị hại chết. Sau đó Cổ Tẩu lại sai Thuấn đi đào giếng, lúc Thuấn đang xuống sâu vào trong giếng, Cổ Tẩu cùng với Tượng dùng đất lấp giếng, chẳng ngờ rằng Thuấn rất thông minh, đã dự liệu trước, nên lúc đào giếng đã đào một thông đạo bên hông để thoát ra. Tượng vốn cho rằng lần này không có sơ sót nào, liền chiếm đoạt gia sản của Thuấn, khi thấy Thuấn đi về, mọi người giật mình kinh hãi. Nhưng Thuấn khoan dung độ lượng vẫn lấy đức báo oán, hôm sau vẫn hiếu kính cha mẹ và yêu quý em trai như cũ.

Vua thuấn dù bị mẹ kế đối xử không tốt, vẫn đối xử tốt với em trai, con của mẹ kế
Vua thuấn dù bị mẹ kế đối xử không tốt, vẫn đối xử tốt với em trai, con của mẹ kế (Nguồn: Lạc Tu)

Cổ nhân nói: “Trăm thiện hiếu làm đầu.” Năm Thuấn 20 tuổi, hiếu thảo nổi danh thiên hạ, năm 30 tuổi thì Nghiêu Đế tìm kiếm hiền tài, quần thần tứ phương đều đề cử Thuấn. Bởi vậy Nghiêu Đế đem hai con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh gả cho Thuấn, lại để chín người con trai của mình ở chung cùng Thuấn, để quan sát phẩm đức của Thuấn. Bởi vì Thuấn lấy đức phục nhân, Nga Hoàng, Nữ Anh nhận được đức hạnh của Thuấn cảm hóa, cũng không dám vì thân phận tôn quý mà có thái độ kiêu căng, đối xử mọi người đều rất khiêm tốn cung kính. Chín người con trai của Nghiêu Đế chịu ảnh hưởng của Thuấn, cũng ngày càng thêm nhân hậu cẩn thận. Thuấn đến Lịch Sơn trồng trọt, người ở đó nhận được ảnh hưởng của Thuấn, trở nên lòng dạ rộng lớn, nhượng ruộng tốt cho người khác.

Thuấn đến Lôi Trạch bắt cá, người Lôi Trạch tranh nhau nhượng chỗ. Thuấn đến bên Hoàng Hà làm đồ gốm, sản xuất đồ gốm ở đó trở nên vô cùng tinh tế. Tất cả mọi người thích ở cùng với Thuấn, cho nên ông ở nơi nào, một năm sau liền tụ thành thôn xóm, hai năm thì thành thị trấn, ba năm liền thành đại đô thị. Trải qua khảo sát, Đế Nghiêu rất hài lòng đối với Thuấn, đem ngôi vua truyền cho Thuấn.

Đế Thuấn đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, ông tuyên dương giáo dục Ngũ thường: Phụ nghĩa, Mẫu từ, Huynh hữu, Đệ cung, Tử hiếu. Thúc đẩy đạo đức nhân luân, khai sáng ra tiền lệ đạo đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa, trở thành khuôn mẫu cho người Trung Quốc các triều đại noi theo.

Mấy ngàn năm nay, truyền thống văn hóa của vua Thuấn lấy đức làm đầu, thông qua văn hóa Nho gia của Khổng Tử mà được truyền thừa về sau, đã giáo hóa đời đời người Trung Quốc.

(*) Chú thích: Tam Hoàng Ngũ Đế: Thời viễn cổ, Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế gọi là Tam Hoàng, là ba vị Hoàng đế sớm nhất của Trung Quốc. Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, gọi là Ngũ Đế. Tài liệu lịch sử cổ ghi chép, Hoàng Đế là một vị trong Tam Hoàng, cũng là vị đứng đầu Ngũ Đế.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/44214; http://www.epochtimes.com/b5/10/1/6/n2778455.htm.

Nguồn: Chánh kiến

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *