Home/Văn Hóa/Vì sao người xưa nói: Lời thị phi độc hơn rắn rết, bén hơn gươm đao?
Văn Hóa

Vì sao người xưa nói: Lời thị phi độc hơn rắn rết, bén hơn gươm đao?

Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán… vậy hỏi có liều thuốc nào chữa được ‘căn bệnh’ thị phi không?

Tích cũ kể rằng: Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:

– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?

Hứa Kính Tôn trả lời:

– Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trượt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng có những kẻ trộm cắp lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ!

Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị mà cơn nắng mưa, sáng tối vẫn bị thế nhân trách hận ghét thương. Còn như hạ thần đây: ‘Nhân bất thập toàn’ thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích?

Cho nên ngu thần trộm nghĩ: đối diện với tiếng thị phi trong thế gian thì cần bình tâm suy xét, đừng nên vội tin, nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu, quả là đáng sợ lắm thay!

Có liều thuốc nào chữa được ‘bệnh thị phi’ không? Không có – bệnh trầm kha thường không có thuốc chữa. Không có thuốc chữa, ấy mới gọi là bệnh trầm kha! Tuy nhiên khi con người ta biết lánh dữ chuộng lành, lời chân ý thiện, phân biệt được rõ đúng sai phải trái, lại không quên hàm dưỡng tâm tính thì hẳn bệnh thị phi sẽ không thuốc mà tiêu tán vậy. 

Thị phi sinh ra bởi những kẻ chuyên gây chuyện thị phi. Vì sao lại có những kẻ chuyên gây ra những chuyện thị phi này? Là vì vẫn còn có nhiều người thích nghe chuyện thị phi, thích đưa chuyện thị phi, thậm chí là tin theo chuyện thị phi. Xưa nay có ‘cầu’ thì mới có ‘cung’. Vậy phải chăng không nghe, không đưa, không tin chuyện thị phi… thì thị phi cũng sẽ không còn có môi trường để phát tác nữa?

Nguồn NTD.com

Đường Vân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *