Home/Văn Hóa/Sự khác biệt giữa văn hóa Tam giáo: Nho– Phật– Đạo
Văn Hóa

Sự khác biệt giữa văn hóa Tam giáo: Nho– Phật– Đạo

Văn hóa Tam giáo Nho – Phật – Đạo là bộ phận tổ thành văn hóa truyền thống phương Đông, về các phương diện đối nhân xử thế, tiêu chuẩn làm người, quan điểm nhân sinh quan và thế giới quan, cả ba tam giáo đều có nội hàm khác nhau.

Sự khác biệt về tôn chỉ văn hóa

Nho gia tích cực tiến thủ, Đạo gia giảng thuận theo tự nhiên, Phật gia vô tư cống hiến.

Điều Nho gia coi trọng là: con người cần phải nỗ lực hoàn thiện, tu dưỡng bản thân, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, tích cực nhập thế, trở thành một người hữu ích đối với xã hội.

Điều mà Đạo gia coi trọng là: nước nhỏ dân ít, vô vi nhi trị, con người cần phải tôn trọng Trời Đất, không được chà đạp tự nhiên, cần sống thuận theo tự nhiên. Đạo Gia giảng: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.

Điều Phật gia coi trọng là: lòng từ bi. Con người cần vô tư cống hiến, tích đức hành thiện, đời sau mới có phúc báo.

Sự khác biệt về tiêu chuẩn làm người

Văn hóa Nho gia giảng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Thứ, Trung, Hiếu, Đễ.

Văn hóa Đạo gia giảng: Lĩnh ngộ Đạo pháp, xem nhẹ danh lợi nơi thế gian.

Văn hóa Phật gia giảng: Các việc ác chớ làm, tránh xa việc ác, các việc thiện dốc sức mà làm.

Nho gia tích cực nhập thế, do đó trọng điểm là tu thân và hòa hợp các mối quan hệ giữa người với người, yêu cầu con người cần theo 9 tiêu chuẩn như có lòng nhân ái, đối xử với người khác cần có lễ nghi phép tắc, giữ chữ tín với bạn bè, hiếu thuận với cha mẹ, trung thành với quân chủ.

Đạo gia nhìn nhận rằng: Cuộc sống hiện thực không quá quan trọng mà lĩnh ngộ Đại Đạo của Trời Đất mới là việc chính, “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam”, thế giới vạn vật đều do Đạo sinh ra, chỉ có lĩnh ngộ được Đạo thì mới có thể làm được “thiên hạ không ai tranh cùng”, mới có thể làm được thuận theo tự nhiên, không trái với tự nhiên. Còn ở tu luyện cá nhân thì xem nhẹ danh lợi, tu tâm tĩnh tâm.

Phật gia tuyên giảng: Nhân quả luân hồi, thiện có thiện báo, ác có ác báo. Do đó con người cần phải làm nhiều việc thiện, tích nhiều nhân thiện thì mới có được nhiều quả thiện, nhiều thiện báo.

Sự khác biệt về nhân sinh quan

Văn hóa Nho gia: Tích cực tiến thủ

Văn hóa Đạo gia: Thuận theo tự nhiên

Văn hóa Phật gia: Từ bi yêu thương chúng sinh, có lòng bao dung với vạn sự vạn vật

Trong văn hóa Nho gia, Khổng Tử nói: “Tam thập nhi lập”, tức ý nói răng, con người cần thành gia lập nghiệp ở tuổi 30, có tài năng để tạo dựng chỗ đứng trong xã hội.

Đạo gia coi trọng nhìn vào nội tâm bản thân, con người lĩnh ngộ Đạo pháp của Trời Đất mới là viên mãn lớn nhất, còn công danh sự nghiệp như thế nào thì phải xem duyên phận, không chấp nhất mà thuận theo tự nhiên, lĩnh ngộ Đạo, hoàn thiện bản thân mới là quan trọng nhất.

Văn hóa Phật gia giảng luân hồi báo ứng, “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, con người cần dùng từ bi độ nhân, vô tư cống hiến thì mới có thể tu thành viên mãn.

Sự khác biệt về thế giới quan

Văn hóa Nho gia: Thế giới quan là vũ đài triển hiện tài hoa.

Văn hóa Đạo gia: Thiên nhiên là môi trường mà nhân loại dựa vào đó để sinh tồn, cần coi trọng quy luật tự nhiên.

Văn hóa Phật gia: Tướng do tâm sinh, trong tâm là thế giới.

Đối với Nho gia mà nói, thế giới là nơi để mỗi người triển hiện năng lực của mình, do đó họ chủ trương “hữu giáo vô loại” tức ý nói rằng, (giáo dục không phân biệt tầng lớp, xuất thân), những mong tất cả mọi người đều có tri thức để triển hiện tài hoa của mình trong thế giới.

Đối với Đạo gia mà nói, con người không thể mù quáng làm bừa, thiên nhiên rất uy lực, trái với quy luật tự nhiên sẽ bị trừng phạt, do đó con người cần phải coi trọng tự nhiên, thuận theo tự nhiên, không được gắng gượng dùng sức người phá hoại sự cân bằng tự nhiên.

Văn hóa Phật gia chủ trương là “mỗi bông hoa là một thế giới, mỗi gốc cây là một cội bồ đề”. Vạn sự vạn vật đều có thế giới nội tâm, một người có tham – sân – si trong tâm mà không diệt thì thế giới mà anh ta trông thấy chỉ là cuộc đấu tranh tàn nhẫn, còn nếu trong tâm thuần tịnh, an lành, yên tĩnh, thì thế giới mà người đó nhìn thấy chính là thuần tịnh.

Sự khác biệt của giá trị quan

Văn hóa Nho gia: Không ngừng nâng cao bản thân, thực hiện giá trị nhân sinh, thúc đẩy sự hài hòa của xã hội.

Văn hóa Đạo gia: Dùng Đạo tự nhiên, dưỡng thân tự nhiên, thúc đẩy sự hài hòa giữa tự nhiên và thân – tâm.

Văn hóa Phật gia: Trong quá trình hiến tặng tâm yêu thương cho người khác, trong khi thực hiện giá trị nhân sinh quan, thế giới quan thì đồng thời nâng cao tài năng và đạo đức bản thân, sáng tạo ra thế giới tốt đẹp hơn, khiến con người trong toàn xã hội có thể an cư lạc nghiệp. Đó là sứ mệnh và lý tưởng bất biến của họ.

Văn hóa Đạo gia cho rằng, con người không nên quá coi trọng công danh lợi lộc, nên dưỡng tâm dưỡng thân, giới bỏ tham dục. Họ không cho rằng giá trị xã hội mới là giá trị cuối cùng, mà sự hài hòa của bản thân còn quan trọng hơn kiến công lập nghiệp.

Trong văn hóa Phật gia, từ bi là vĩnh hằng, trong quá trình cống hiến vì người khác, thì đó là hạnh phúc nhất, tinh thần con người sẽ được tôi luyện và thăng hoa ở mức độ lớn nhất.

Sự khác biệt về món ăn vật chất và món ăn tinh thần

Văn hóa Nho gia: Là thực phẩm chính, không ăn thì sẽ đói.

Văn hóa Đạo gia: Là thực phẩm phụ, không ăn thì không nếm được hương vị.

Văn hóa Phật gia: Là trái cây, không ăn thì không nếm được ngọt ngào.

Nho gia như thực phẩm chính, không ăn sẽ đói. Trong hành trình nhân sinh, sự tích cực tiến thủ của Nho gia chiếm phần lớn, chỉ cần bạn sống trong quần thể con người thì không thể tránh khỏi sống cuộc sống thế tục. Thế nên cần làm theo yêu cầu của Nho gia thì sẽ nhận được sự giúp đỡ thiết thực.

Đạo gia phản đối con người chỉ biết kiến công lập nghiệp. Nếu không biết dừng lại thì cả cuộc đời con người không có sắc thái. Không nên chỉ biết chăm chú dốc sức mong cầu, cần biết cách dừng lại, giữ lại khoảng trống. Biết dừng lại để lắng nghe tiếng nói của nội tâm, biết cách thưởng thức thiên nhiên, thưởng thức nghệ thuật, như vậy có thể cải thiện tâm thái, nâng cao chỉ số hạnh phúc.

Con người sẽ đi đến bước cuối cùng của cuộc đời, sẽ trải qua một kiếp cuối cùng. Phật gia sẽ giúp bạn nhìn rõ nó, để bạn không phải chịu nỗi lo lắng sợ hãi. Buông bỏ tư dục, phá trừ chấp trước tự ngã, vui với việc cống hiến, thế thì cuộc đời tự nhiên sẽ càng thêm ngọt ngào.

 

Nguồn: Epochtimes

Chân Nhiên biên tập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *