Làm người, biết lùi một bước không phải là tụt hậu, mà là biết lấy lùi làm tiến, dù không tranh nhưng thật ra đã giành được phần thắng sẵn rồi…
Trong “Chiến Quốc Sách” có một câu chuyện ngụ ngôn tên là “Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi”.
Trai và cò cứ cắn chặt lấy đối phương không chịu nhả, cả hai không ai chịu nhường ai, cầm cự lâu dài như vậy, cuối cùng ngư ông đi ngang qua, một mẻ tóm gọn cả hai.
Thường nghe câu: “Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Trong cuộc sống, rất nhiều người vì không chịu nhường bước mà đẩy bản thân và đối phương vào tình thế bế tắc, cuối cùng khiến cả hai đều bị thương tổn.
Thế nên, biết nhượng bộ là trí huệ trong đối nhân xử thế, càng là một phần hàm dưỡng của kiếp nhân sinh.
Người càng có hàm dưỡng thì càng biết “nhường bước”
Người khiêm cung nhún nhường thường sẽ luôn được mọi người tôn kính.
Tử Hạ, học trò của Khổng Tử đã nói về thầy của mình như thế này: “Vọng chi nghiễm nhiên, tức chi dã ôn”, đại ý là: Thoạt đầu nhìn từ xa cảm thấy rất trang trọng uy nghiêm, khi đến gần lại cảm thấy vô cùng hòa nhã dễ mến.
Dương Giáng tiên sinh từng nói: “Bản thân tôi vốn không thích tranh chấp với ai, nếu làm thế tôi thấy mình thật nhỏ nhen thấp kém”.
Người có tầng thứ hàm dưỡng cao thường ôn hòa khoan dung, không tranh không giành. Bởi trong lòng họ có đủ tự tin và bao dung, nên không cần phải đòi hỏi quá nhiều từ bên ngoài để tô vẽ bản thân mình.
Còn người ở tầng thứ thấp thường hay tranh cường háo thắng. Lòng dạ hẹp hòi nên chuyện gì cũng muốn tranh hơn nhau khẩu khí, khoe khoang bản thân, thậm chí có thể không tiếc mọi giá phải trả, không màng đến hậu quả.
Rốt cuộc, thứ tranh được không phải là sĩ diện, mà là ấn tượng của một kẻ tính toán xét nét trong con mắt người khác.
Trong “Thái Căn Đàm” có nói: Đi đường nếu gặp phải đoạn đường chật hẹp thì nhường một bước để người ta đi qua, có món gì ngon hãy biết san sẻ để mọi người cùng thưởng thức.
Người càng có hàm dưỡng thì càng biết nhường bước. Lùi một bước, nhìn vào thì thấy như bản thân đang chịu thiệt thòi, nhưng thực ra ta đã thắng được thiện cảm của mọi người xung quanh.
Một trang báo đã từng thu thập ý kiến độc giả về câu hỏi: “Những lúc nào bạn cảm thấy vui sướng nhất?”, tổng cộng đã nhận được gần 100 nghìn thư gửi đến. Sau khi thống kê, phát hiện phần lớn đáp án của mọi người là “nhường bước”.
Trong thư họ đều mô tả một điểm chung, đại thể là: “Nhường bước là một loại tu dưỡng, cũng là một lối sống đẹp có thể mang đến niềm vui cho bản thân”.
Ký giả đã đích thân đi phỏng vấn nhóm người này, phát hiện rằng các mối quan hệ ngoài xã hội của họ đều khá tốt. Bạn bè của họ giải thích rằng: “Bởi họ biết khiêm nhường, vậy nên những lúc ở cùng nhau, hai bên đều cảm thấy rất thoải mái, đồng thời cũng cảm thấy đối phương là người đáng tin cậy”.
Nhường bước mới có thể tiến bước
Cổ ngữ nói: Trong đối nhân xử thế, nhường người một bước là hành động sáng suốt, bởi nhường một bước chính là để lại chỗ trống cho ta tiến thêm một bước sau này.
Điển cố “Đội gai để chờ trừng phạt” là một minh chứng sống động cho điều đó:
Chuyện kể lại rằng, Lạn Tương Như lập được công to tại cuộc họp mặt ở Dẫn Trì, được vua Triệu cất nhắc, địa vị của ông ở trên võ tướng Liêm Pha. Liêm Pha bất mãn nói:
“Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận có công to, trái lại Tương Như chỉ nhờ miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn người thấp hèn, ta xấu hổ không mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta!”.
Rồi Liêm Pha rêu rao:
“Ta gặp Tương Như, quyết làm nhục ông ta!”.
Tương Như nghe vậy, ông tìm cách không chịu hội họp với Liêm Pha. Mỗi lần có buổi chầu, Tương Như thường cáo bệnh không muốn tranh ngôi thứ với Liêm Pha. Một hôm, Tương Như đi ra trông thấy Liêm Pha, Tương Như quay xe tránh. Các môn hạ của Tương Như bèn cùng nhau can: “Chúng tôi sở dĩ bỏ thân thích đến thờ ngài chỉ vì mến cao nghĩa của ngài. Nay ngài và Liêm Pha cũng ngang hàng. Liêm Pha rêu rao nói xấu mà ngài lại sợ trốn tránh ông ta, sợ sệt quá đáng, người thường còn lấy làm xấu hổ, huống hồ là bậc tướng quốc, tướng quân! Bọn chúng tôi bất tài, xin từ giã về!”.
Tương Như bình thản nói: “Các ông xem Liêm tướng quân có bằng vua Tần không? Không bằng. Oai như vua Tần mà Tương Như dám gào thét ở giữa triều đình, làm nhục cả quần thần của ông ta nữa. Tương Như ta há lại hèn nhát, sợ Liêm tướng quân sao? Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi”.
Liêm Pha nghe lời mọi người thuật lại như vậy, tự biết mình có lỗi, bèn cởi trần mang roi nhờ tân khách đưa đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội, nói: “Kẻ hèn mọn này không biết tướng quân rộng lượng đến thế!”.
Từ đó, hai người vui vẻ làm bạn sống chết có nhau. Nước Triệu có hai tướng văn võ phò trợ nên cũng được vững mạnh, không bị Tần lấn chiếm, người ta gọi giai thoại nổi tiếng này là “Tướng tương hòa”.
Có những lúc, nhường người một bước thường là thắng lợi ngầm bên trong.
Trong cuộc sống, những lúc rơi vào tranh chấp với người ta, nếu ta biết nhường bước đúng lúc, ấy là một loại trí huệ và khí chất của người quân tử.
Một là, giảm thiểu được rất nhiều tranh cãi không cần thiết, có được một tâm cảnh thuần tịnh sáng trong.
Hai là, qua đó thể hiện ra tấm lòng, phong thái và hàm dưỡng tốt đẹp, có được sự tôn trọng và tín nhiệm của người khác.
Đối nhân xử thế, biết nhường bước, ấy là cảnh giới, là thể hiện của sự trưởng thành, tu dưỡng, bao dung.
Có câu cổ ngữ rằng: “Kẻ thích tranh chấp, trời đất cũng sẽ ganh đua với họ; những người khiêm nhường, trời đất cũng sẽ mở đường cho họ”.
Làm người, biết lùi một bước không phải là tụt hậu, mà là biết lấy lùi làm tiến, dù không tranh nhưng thật ra đã giành được phần thắng sẵn rồi.
Nhật Nguyệt- secretchina.com