Home/Văn Hóa/Người mạnh mẽ mới có thể sống chân chính, vì chân chính là sức mạnh của nội tâm
Văn Hóa

Người mạnh mẽ mới có thể sống chân chính, vì chân chính là sức mạnh của nội tâm

Con người không sợ gian nan, trắc trở, thất bại mà sợ nhất là đi sai đường. Bởi vì thất bại có thể làm lại, nhưng lầm đường lạc lối thì thời gian, tâm huyết cả cuộc đời sẽ thành dã tràng xe cát. Đúng như lời Nguyễn Trường Tộ: “Một bước sa chân ngàn thu hận, ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm”

Trước đây tôi từng đọc qua một câu chuyện có thật, kể về một người rất có chữ tín. Vì gia cảnh khó khăn nên anh ta muốn bán đất đai nhà cửa của mình để trang trải công việc. Vì đất đẹp, nhà tốt nên có người muốn mua ngay. Tuy nhiên người mua này lại trả với giá rất thấp. Hai bên thương lượng xong nhưng lại chưa thanh toán, cũng chưa đặt cọc. Sau đó lại có một người muốn mua, người này ra một cái giá rất cao và muốn thanh toán tiền ngay nhưng dẫu nói thế nào chủ nhà vẫn không bán. Tại sao? Vĩ lẽ họ là người thành thật, thủ tín.Khổng Tử nói: “Nhân vô tín bất lập” (Người không có chữ tín không có chỗ đứng ở đời).

Tiếc thay con người trong xã hội ngày nay lại phần lớn mở miệng ra là nói lời bất tín, đơm điều đặt chuyện mà mặt không hề biến sắc. Vậy nên lời họ nói ra luôn khiến người ta nghi ngờ khó tin. 

Người xưa dạy, làm người: “Nhất ngôn cửu đỉnh“, “nhất hứa ngàn vàng“, “quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy“. 

Một lời nói nặng tựa thái sơn, một câu hứa đáng giá ngàn vàng. Có thể thấy uy lực của lời nói to lớn vô cùng, cũng như một lời nói của người quân tử như nước chảy xuôi dòng, một khi đã nói ra là không thu lại, không bao giờ thay đổi.

Tín nghĩa thời xưa

Nhân – Nghĩa – Lễ – Tín chính là chuẩn mực chế ước tư tưởng, hành vi tự thân của cổ nhân. Trong cuốn: “Lã Thị Xuân Thu – Trọng Ngôn” có kể về một điển cố là “Đồng diệp phong đệ“.

Chu Thành Vương thuở còn nhỏ, trong một lần, cùng em trai Thúc Ngu chơi ở dưới gốc cây ngô đồng (cây vông) sau Hoàng cung. Chu Thành Vương cắt một chiếc lá ngô đồng thành hình viên ngọc và đưa cho em trai và nói: “Huynh dùng cái này phong tước cho đệ.”

Chu Công nghe thấy lời ấy, liền tiến đến bái kiến và nói: “Đại vương phong tước cho em trai, thật là việc tốt!”

Chu Thành Vương nói: “Ta chẳng qua chỉ là đang chơi đùa một chút với em trai thôi mà!”

Chu Công nghiêm túc nói: “Thiên tử không thể nói đùa, Thiên tử nói gì, người chép sử ghi lại thế ấy, nhạc công hát thế ấy, đại thần truyền bá thế ấy. Thiên tử đã nói là nhất định phải làm”

Vì thế sau này Chu Thành Vương lên ngôi đã phong cho em mình làm Ứng hầu.

Lựa chọn con đường chân chính

Kỳ thực, bất luận dù ai địa vị cao thấp ra sao, trong cái đức làm người thì điều căn bản nhất chính là phải học chữ chân, phải làm điều thật, phải nói lời ngay. Tuy nhiên xã hội hiện nay vì danh vì lợi vì tình, con người ta lại dễ bán rẻ lương tâm, cho rằng sống không gian dối không thể đứng ở đời kiếm miếng cơm manh áo. 

Tuy nhiên nhân sinh hữu mệnh, con người ta ngay từ khi lọt lòng cha mẹ thì cuộc đời vốn dĩ đã được an bài thấu đáo rồi. Người trong mệnh không có số giàu sang thì dẫu có dùng quyền cưỡng đoạt, dùng trí mưu cầu vẫn cứ bằng không, cho dù có được cũng chỉ là thứ bèo trôi nước chảy, đến đi trong chớp mắt, phúc chưa kịp hưởng, hoạ đã liền kề. Còn người số đã giàu sang thì thong dong tự tại giàu sang vẫn đến. Nói như vậy có thể có người cho rằng vậy chúng ta sinh ra làm người đâu cần phải cố gắng làm gì, bởi mọi thứ tự khắc đã an bài rồi thì cố gắng làm gì, buông xuôi mà sống. 

Nói như vậy không hẳn đã đúng, con người sinh ra sống ở đời, thử thách là điều không thể tránh khỏi, mỗi giây mỗi phút chúng ta đều phải đối diện với lựa chọn được mất, đúng sai. Mỗi một lựa chọn sẽ dẫn ta tới một con đường khác nhau. Con người vốn dĩ làm người thông minh không khó, khó là làm người thiện lương, bởi thông minh là thiên bẩm, là tôi rèn nhưng thiện lương lại là lựa chọn. Khi đối diện với được mất thế gian, con người có thể lựa chọn theo tiếng nói của nhân tâm hay dục vọng của mình, thì cuộc đời từ đó đã rẽ sang ngả khác.

Đời người chính là trường tu luyện, luyện tâm lương thiện, luyện lời thẳng ngay. Người có thể sống vạn sự tuỳ duyên, lấy thiện lương làm gốc, ắt đức sẽ thêm đầy, đời thêm vững, trời kính đất nể, chư thần ban phúc, lộc mãi dài lâu. Còn ngược lại nếu như bỏ thiện theo ác, phúc rồi cạn, nghiệp ắt tăng, quả báo là điều khó tránh, chỉ đợi thời gian báo ứng mà thôi, xưa nay bài học về phương diện này cũng là nhiều không đếm xuể. 

Lại có người cho rằng thấy mới tin không thấy không tin, quả báo nhãn tiền mới làm cho người ta khiếp phục. Thực ra trời cao có đức hiếu sinh, không có quả báo nhãn tiền âu cũng là muốn cho kẻ sai đường lạc lối có thêm cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, thêm cơ hội để ngộ ra chân lý. 

Vậy nên, trung thực, chân chính, nó chính là nền tảng đầu tiên để làm người. Sống không chân ắt mất đi tín nghĩa, tín không còn sao có thể lập thân?

Nguồn NTD.com

Đường Vân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *