Home/Văn Hóa/Thất bại lớn nhất của đời người là tự cao, tự đại. Khiêm nhường mới là sức mạnh dẫn đến thành công
Văn Hóa

Thất bại lớn nhất của đời người là tự cao, tự đại. Khiêm nhường mới là sức mạnh dẫn đến thành công

Tự đại là khi con người cảm thấy mình có sở trường về một số phương diện nào đó, từ đó mà coi thường người khác. Còn tự ti là khi con người cảm thấy mình có thiếu sót, khiếm khuyết về một số phương diện nào đó mà cho rằng mình không bằng người khác. Khiêm nhường là một tâm thái không dùng quan niệm của mình để so sánh bản thân với người khác.

Các loại cảm xúc này cùng tồn tại, là do người ta dùng quan niệm người thường để so sánh bản thân với người khác, từ đó sinh ra cảm giác thấy mình cao hơn hoặc thấp hơn người khác.

Do đó, tự đại và tự ti thường cùng tồn tại trong một con người. Để khiến cho người khác phải tôn trọng mình, người tự ti nỗ lực tích lũy những điều tốt đẹp trên thế gian (kỹ năng, của cải, danh tiếng, quyền lực, mối quan hệ, v.v.) để chứng tỏ bản thân. Sau này nếu họ thực sự thành công thì thoắt một cái họ sẽ biến thành người tự đại.

Tự đại là một loại tâm rất không tốt, thậm chí là khởi nguồn của “tự tâm sinh ma”. Thường khi con người khi khởi đầu một việc gì đó, lúc mới tham gia, thường trong tâm họ khá thuần tịnh, nhưng sau một thời gian dài, nhất là sau khi có được thành công ở một số phương diện, những lời khen ngợi và khẳng định mà họ nhận được thường khiến họ khuếch đại nhân tâm. 

Trong Chu Dịch giảng: “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn”, nghĩa là: khiêm nhường sẽ nhận được lợi ích mà tự mãn thì bị mất đi. Một người nếu như tự cao tự đại, thì cho dù đi tới bất cứ đâu cũng đều không nhận được sự chào đón của người khác. Cho nên thất bại lớn nhất của đời người là tự cao, tự đại.

Người tự tin biết nhìn lại bản thân từ ý nghĩ, lời nói, cho tới hành động. Trong khi đó, người tự cao, tự đại coi cái tôi của mình là trên hết. Họ thường so sánh hơn thua, đúng sau với người khác và không chịu nhún nhường bất cứ một ai. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để chứng minh cho người khác thấy họ đang tài giỏi hơn mọi người. Từ đó là dễ dẫn đến quyết định sai lầm do quá hiếu thắng, không suy nghĩ chín chắn.

Người sống tự cao quá mức dễ thất bại vì không có sự tìm tòi, học hỏi từ thành công của người khác. Tự cao, tự đại thường coi thường người khác với tâm lý cố chấp, bảo thủ và độc đoán, cho rằng bản thân tài giỏi hơn người. Như vậy, họ sẽ cô độc trong cuộc sống mà chính mình tạo ra. Bởi người ta có thể yêu thương, san sẻ với người biết nhìn nhận sai lầm của bản thân sau khi vấp ngã, chứ không ai chia sẻ với người luôn cho mình giỏi hơn hết.

Khiêm nhường không liên quan đến tự ti, khiêm nhường là một tâm thái không dùng quan niệm của mình để so sánh bản thân với người khác. Đó là tâm thái của một sinh mệnh vượt ra ngoài thế giới trần tục, đối diện với Thần và người khác bằng chân ngã của mình.

Trong các tiết mục biểu diễn của Thần Vận hàng năm đều có một tiết mục về tiểu hòa thượng. Trong chùa, tiểu hòa thượng là người có địa vị thấp nhất, bị coi thường nhất, chịu khổ nhiều nhất, nhưng tiểu hòa thượng lại không tính toán được mất với người khác, chính nhờ có thái độ khiêm nhường đó mà được Thần coi trọng nhất.

Người tự đại chỉ là miệng hùm gan thỏ, còn người khiêm nhường mới thực sự có sức mạnh. Không coi trọng bản thân mình hơn người khác, đây cũng là một loại tu dưỡng, là một loại cảnh giới, phong độ. Người có được phong thái này ắt là có sự hiểu biết sâu rộng về kiếp nhân sinh, về giá trị của cuộc đời.

Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy là một tiểu thuyết gia, triết học gia người Nga. Ông từng bị một quý phu nhân hiểu nhầm là một công nhân vận chuyển đồ đạc nên đã yêu cầu vận chuyển đồ cho mình. Tuy nhiên Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy đã rất vui vẻ nhận lời và hoàn thành công việc của mình.

Sau khi hoàn tất công việc, ông được quý phu nhân trả cho 1 Rúp tiền công. Đến khi quý phu nhân kia biết được thân phận của ông đã vô cùng xấu hổ và có ý muốn lấy lại đồng Rúp đó. Nhưng Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy đã rất vui vẻ từ chối nói: “Đây là thành quả lao động mà tôi có được, nó rất quan trọng”.

Kỳ thực, người tự cao tự đại, kiêu ngạo với người khác lại chính là người yếu đuối khôn cùng. Với những người có tâm hồn yếu nhược, thì kiêu ngạo, tự cao chính là để khỏa lấp chỗ trống trong lòng, họ sợ người khác coi thường bản thân mình.

Ngược lại, khiêm nhường lại xuất phát từ sự tự tin của nội tâm, không màng hư danh, lợi ảo của người đời. Người chân chính có đại trí đại huệ, xưa nay vẫn luôn khiêm nhường, tôn kính vạn vật

Khiêm nhường cũng là cách giúp bản thân thoát khỏi dục vọng danh lợi và tham lam. Một người có thể đứng ngoài danh lợi, khi đó họ sẽ có thể nhìn được càng cao, hiểu được rộng hơn những người khác.

Người chịu cúi thấp mình hơn người khác không hẳn đã là người chịu thiệt. Họ là những người hiểu rõ bản thân mình, là người biết cách dựa vào chính thực lực của mình mà đi lên. Họ hiểu rõ, làm người thì càng ung dung điềm đạm sẽ càng được đi xa thêm…

Nguồn Chanhkien

Gia An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *