Cổ nhân thường rất chú trọng đến việc tu dưỡng đạo đức, bởi vậy, trong những lời răn dạy của họ đều chứa đựng trí tuệ nhân sinh, những đạo lý rất lớn, mang lại lợi ích vô tận cho đến nay.
1. Chịu làm, khó cũng thành dễ; không chịu làm, dễ cũng thành khó
Câu này trích từ cuốn sách nổi tiếng “Vi học nhất thủ kỳ tử chất” (gọi tắt là “Vi học”) của Bành Đoan Thục đời nhà Thanh, nguyên gốc là: “Thiên hạ sự hữu nan dịch hồ? Vi chi, tắc nan giả diệc dịch hĩ; bất vi, tắc dịch giả diệc nan hĩ”, ý tứ rằng: Việc trong thiên hạ có sự phân biệt khó và dễ chăng? Nếu chịu làm, thì khó cũng trở thành dễ; nếu không chịu làm, thì dễ cũng hoá thành khó.
Tác giả Bành Đoan Thục đã lấy một câu chuyện làm ví dụ: Nơi vùng xa xôi ở đất Thục có hai nhà sưi: một người nghèo, một người giàu.
Nhà sư nghèo nói với nhà sư giàu rằng: “Tôi muốn đi đến Nam Hải, ông thấy thế nào?”
Nhà sư giàu nói rằng: “Ông dựa vào cái gì để đi?”
Nhà sư nghèo đáp: “Tôi chỉ cần một bình một bát là đủ”.
Nhà sư giàu nói lại: “Tôi nhiều năm muốn thuê thuyền thuận dòng đi xuống đó mà không thành. Ông dựa vào đâu để đi cơ chứ!”
Qua năm sau, hòa thượng nghèo từ Nam Hải trở về, đem những việc ở Nam Hải kể cho nhà sư giàu nghe. Nhà sư giàu mặt lộ vẻ xấu hổ.
Tây Thục cách Nam Hải không biết là xa đến mấy ngàn dặm, nhà sư nghèo thì đến được, còn nhà sư giàu lại không. Một người lập chí cầu đạo, lẽ nào lại chẳng bằng vị hoà thượng nghèo ở đất Thục xa xôi kia?
2. Với người, chớ cầu hoàn hảo; với mình, kiểm điểm không ngừng
Câu này nguyên từ trong “Thượng thư – Y huấn”, “Dữ nhân bất cầu bị, kiểm thân nhược bất cập”, ý tứ rằng: Nguyên tắc tu thân là không yêu cầu người khác phải hoàn hảo, mà là không ngừng kiểm điểm những thiếu sót của bản thân, khiến cho mình ngày càng hoàn thiện. Phương pháp giáo dục này đối với thời đại hiện nay vẫn giữ nguyên được giá trị của nó.
3. Vàng chẳng có thuần khiết, người không ai hoàn hảo
Câu này xuất phát từ bài thơ “Ký Hứng” của Đới Phục Cổ, một nhà thơ thời Nam Tống: “Hoàng kim vô túc sắc, bạch bích hữu vi hà. Cầu nhân bất cầu bị, thiếp nguyện lão quân gia”. Tạm dịch: Vàng cũng chẳng thể thuần khiết, ngọc bích còn có chỗ tỳ vết, cầu người không cầu hoàn hảo, dù chàng còn có những khiếm khuyết, ta vẫn nguyện ý theo chàng cả đời.
Nhà thơ đã mượn giọng điệu của một người phụ nữ nói với chồng, để gửi gắm một thông điệp: Dùng người thì chỉ nên nhìn vào điểm tốt của họ, phát huy tốt những ưu điểm đó, chứ đừng nên xét nét tới những khuyết điểm, bởi con người đâu có ai là thập toàn thập mỹ. Chỉ có như vậy mới có thể khiến người ta bội phục cả đời.
Về sau, người ta cô đọng bài thơ này thành một câu nói phổ biến: “Kim vô túc xích, nhân vô hoàn nhân”, ý nói rằng cả vàng cũng chẳng thể thuần khiết thì con người nào có ai hoàn hảo; cũng ví von về cách đối nhân xử thế, đừng cho rằng bản thân thanh cao mà chê bai người khác, cần nhìn vào ưu điểm của họ, mới có thể kết giao bạn bè được rộng rãi.
4. Học mà không có bạn thì hiểu biết sẽ nông cạn
Câu này xuất phát từ “Lễ ký – Học ký”, có nghĩa là, trong học tập phải quan sát, học hỏi ưu điểm của nhau, nếu không có bạn bè để cùng nhau thảo luận và giải quyết vấn đề thì hiểu biết sẽ nông cạn. Mối quan hệ giữa người với người không chỉ có thể giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về các lĩnh vực, mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn về bản thân mình.
Trong “Chu Dịch – Đoái quái” viết: “Quân tử dĩ bằng hữu giảng tập”, bằng hữu có thể giúp nhau giảng ra những đạo lý bất minh, thực hành với nhau những công việc không thành thục. Sự học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau giữa bạn bè cũng là một yếu tố quan trọng để nâng cao kiến thức và tu dưỡng đạo đức.
Khổng Tử đã từng nói: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên: Trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi”, có nghĩa là: Trong ba người đi cùng, nhất định có người mà mình đáng học tập. Hãy lựa chọn ưu điểm của họ để tăng cường học tập, phát hiện ra nhược điểm của họ để sửa đổi mình, hoàn thiện nhân cách mình.
Tất nhiên Khổng Tử cũng nói: “Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn, ích hĩ; hữu tiện tích, hữu thiện nhu, hữu tiện nịnh, tổn hĩ”. Nghĩa là, có ba kiểu bạn bè có ích và ba kiểu bạn bè có hại. Trong đó, kết giao với người chính trực không vụ lợi, kết giao với người độ lượng, kết giao với người hiểu biết sâu rộng, là đều có ích đối với đức hạnh của chúng ta.
5. Không kiên trì tới cùng, kết thúc khó có hậu
“Mị bất hữu sơ, tiên khắc hữu chung”, câu này xuất phát từ “Thi kinh – Đại nhã – Đãng”, khi Triệu Mục Công trách cứ sự ngu ngốc vô đạo của Chu Lệ Vương. Câu này có nghĩa là, con người ta luôn bắt đầu một cách rất tốt đẹp, nhưng cũng lại có rất ít người có thể kiên trì được tới cuối cùng. Nếu chúng ta không giữ được cái “tâm” ban đầu, rất khó có được kết quả tốt đẹp.
Sách “Luận Ngữ” của Khổng Tử ghi lại lời của Tử Hạ: “Hữu thủy hữu tốt giả, kỳ duy thánh nhân hồ!”, nghĩa là người có thủy có chung, kiên trì từ đầu tới cuối chỉ có thánh nhân mới làm được.
Trong con mắt của người xưa, “Lập thân hành đạo, chung thủy nhược nhất” (Lập thân hành đạo, trước sau như một) là một trong những điều khó làm nhất. Lời đã nói ra thì phải thực hiện không thể nói ra rồi lại phủi đi đó là điều đáng chê nhất.
Dịch theo: secretchina.com